Menu

Home » Truyện Ma » Ma Thổi Đèn » Thi Vương Tương Tây (Nộ Ninh Tương Tây) Phần III Quyển II Ma Thổi Đèn

Thi Vương Tương Tây (Nộ Ninh Tương Tây) Phần III Quyển II Ma Thổi Đèn

Chương 47

LẬP LỜI NGUYỀN

Lão Trần không nắm được huyền cơ bên trong đồng nhân, lại không muốn lộ vẻ lo lắng trước mặt đám thuộc hạ, bèn trích dẫn điển tích trả lời qua quýt vài câu, rồi lệnh cho vài tên thuộc hạ châm một mồi lửa thiêu rụi đống xương xẩu trong hang. Hòm bó đạo tang điển tịch cũng bị đốt sạch, làm như vậy không phải để trút nỗi căm hận mà do quy định hành sự trong giới lục lâm, bất luận giết người cướp của hay đào mồ quật mả, sau cùng đều phải phóng hỏa thiêu rụi, xóa sạch dấu vết để tránh hậu họa về sau.

Sau đó đám trộm còn chặt xác mãng xà ném vào ngọn lửa, mùi hôi thối xông lên tận mặt, nhiều người không chịu được nôn thốc nôn tháo. Đúng lúc ấy có trinh sát về báo, nói xung quanh Lão Hùng Lĩnh huyện Nô Tinh xuất hiện mấy cánh quân không rõ lai lịch, có cả binh lính lẫn thổ phỉ, ý chừng nhân lúc đám trộm Xả Lĩnh đang náo loạn, định thừa cơ tới Bình Sơn hôi của, đám đại binh đào ngũ khi nãy đa phần đều bị chúng giết chết dọc đường.

Lão Trần nghĩ bụng, con mẹ nó chứ, đúng là giậu đổ bìm leo, đám sơn tặc thổ phỉ quanh huyện Nô Tinh cũng tới thừa nước đục thả câu đây mà. Chuyến này Xả Lĩnh đã mất quá nhiều nhân mạng, lòng quân hoang mang, tiếp tục ở lại chiến đấu cũng chẳng có kết quả gì tốt đẹp, hảo hán không màng nỗi nhục trước mắt, còn rừng xanh thì lo gì không có củi đốt, chi bằng mau chóng rời khỏi nơi này càng sớm càng tốt.

Đọc truyện, nghe truyện mới nhất cập nhật thường xuyên tại truyenaudiohay.com

Lão Trần đã có chủ ý, bèn gọi người tới, ném hết xác đám trộm và lính công binh bị đá đè chết vào hang đốt luôn một thể, sau đó mang theo anh em thương binh ra khỏi rừng, rời khỏi Lão Hùng Lĩnh ngay trong đêm qua được dãy Miêu Cương coi như đã về địa bàn của mình, còn lão đích thân dẫn theo hai ba mươi tay chân thân tín, lưng giắt tiểu liên bụng giấu dao nhọn, tiến vào thung lũng tiếp ứng cho bọn Gà Gô.

Gà Gô cũng kể vắn tắt một lượt chuyện anh ta gặp phải trong rừng. Nói gì đi nữa tới giờ phút này không thể xem như hoàn toàn công cốc, tốt xấu gì cũng đã phá được mộ cổ Bình Sơn, khai quan mở thây, lấy được đai vàng nạm ngọc, biến thảm bại thành chiến thắng, công lao đạt được cũng vớt vát ít nhiều sĩ diện cho lão Trần.

Lão Trần thấy Gà Gô vào sinh ra tử vì mình, lòng vô cùng cảm kích, liền chắp tay nói: “Giữa anh em ta không cần nói lời cảm ơn làm gì, sau này chú đi tìm Mộc Trần Châu, mười vạn người của Thường Thắng sơn nhất định sẽ giúp chú một tay. Chú lên rừng chúng tôi lên rừng, xuống biển chúng tôi cũng xuống biển, nếu trái lời thì tôi sẽ giống như đồng nhân này, hỏng hai con mắt, suốt đời làm một phế nhân.”

Gà Gô vội nói: “Trần thủ lĩnh quá lời rồi, tôi trộm mộ lần này cũng tìm được chút manh mối về Phượng Hoàng Đảm, nếu không có các vị hảo hán Thường Thắng sơn tương trợ thì giờ này vẫn đang mò kim đáy biển trên đất Kiềm, đây mới là ân đức trời biển. Sau này Trần thủ lĩnh có lên núi đào mộ, cho dù non nước hiểm trở thế nào, tôi cũng nhất quyết đi theo, xả thân báo đáp đại ân đại đức này, bằng không Gà Gô tôi suốt đời làm kẻ tàn phế cụt chân khuyết tay.”

Hai người kích động theo cảm tính nhất thời, trong lúc sơ ý đã lập lời nguyền, nhưng khi đó chẳng ai thực sự để tâm. Trời sắp sáng, bỗng nghe từ đằng xa có tiếng súng nổ loạn xạ, nghe ngóng động tĩnh, hình như mấy cánh quân thổ phỉ tới dò la báu vật Bình Sơn đang nổ súng giao tranh. Lão Trần thời gian qua hình sự trên núi Bình Sơn nên đã nằm lòng địa hình địa thế, sợ chạm trán với đám thổ phỉ, lão liền dẫn mọi người khiêng thương binh, theo con đường nhỏ ra khỏi núi, trèo đèo lội suối rốt cuộc cũng tới được dãy Miêu Cương, tụ họp với đại quân, rồi vội vã rút về sào huyệt ở Tương Âm không kịp nghỉ ngơi.

Đám trộm mệt mỏi quá độ, nghỉ một mạch suốt mấy ngày liền, tay dẫn đường người Miêu khi ở trong mộ không thể nín thở nên hít phải không ít lăng chướng, nên thế là đi tong thêm một mạng. Hồng cô nương gãy chân đã được bó lại, tục ngữ có câu: “Bong gân gãy xương phải trăm ngày”, chưa đủ ba tháng, cô ta sẽ không thể đi lại được.

Đến khi nguyên khí phục hồi, lão Trần nhận ra địa vị thủ lĩnh Thường Thắng sơn của mình đã lung lay như răng bà lão. Từ cổ chí kim, lần trộm mộ thảm bại nặng nề tử thương nhiều nhất có lẽ thuộc về chuyến đào mộ cổ Bình Sơn lần này của phái Xả Lĩnh, lại thêm đội quân dưới trướng La Lão Oai, số thì bỏ trốn số thì tan tác, không sao gom lại được, uy danh Thường Thắng sơn trên đất Hồ Nam giờ đã mất sạch.

Lão Trần nổi giận đùng đùng, cục diện trước mắt không thể lạc quan, nếu không quật được một cái mả to kiếm được một khoản thì khó mà ngóc đầu lên được. Nhưng giờ mộ cổ ở mấy tỉnh quanh đây đa phần đều bị xới tung lên cả rồi, bói đâu ra một ngôi mộ quy mô cỡ chư hầu vương bây giờ? Lão âm thầm tính toán, chợt nảy ra một ý.

Năm xưa khi mới vào nghề, lão Trần thường đổ đấu ở phương Nam, từ Lưỡng Việt Lưỡng Hồ[34] cho đến Vân Nam Giang Tây không có nơi nào chưa đặt chân tới. Lão từng đào mộ Điền vương ở Lý Gia sơn Vân Nam, mộ cổ nước Đền ở Lý Gia sơn tầng tầng lớp lớp, dân trộm mộ bao đời đa số đều đào được báu vật từ ngọn núi này, nhưng cũng chính vì mộ Điền vương Lý Gia Sơn quá ư lộ liễu, nên từ đời Tống trở đi đã bị trộm không biết bao lần, không phải mười cái mất chín mà là mười cái mất cả mười.

Lão Trần tới Lý Gia sơn vào thời Dân Quốc, vừa nhìn đã biết ngay nơi đây “người đá không nhắm mắt, cột biểu đốt lặng câm”, chỉ còn quang cảnh điêu tàn với trăm ngàn hang hố do dân trộm mộ để lại. Dân đổ đấu gọi huyệt mộ đã bị người khác đào là “hố lọc”, đám trộm đầu tiên vào được lăng mộ cổ là béo bở nhất, vàng bạc châu báu tha hồ mà chở, chỉ để lại những thứ chẳng ra gì.

Nhóm trộm thứ hai vào được huyệt mộ, tuy đỡ tốn công sức nhưng các món minh khí có giá đã chẳng đến phần, đánh nhặt nhạnh những thứ nhóm đầu tiên vứt lại, ví như áo liệm trên người mộ chủ hoặc đèn đồn, bình gốm, hình nhân thú đá trong mộ thất.

Đến lượt nhóm trộm thứ ba, mộ thất cơ bản chỉ còn một cỗ quan tài trống rỗng với bốn bức tường, nhưng có câu “ăn trộm chẳng về tay không”, trong mộ nếu có bích họa sẽ lập tức bị đám trộm cạy xuống ngay, không có bích họa thì chúng đào gạch dỡ ngói, sau cùng còn tha cả ván áo quan về nhà rửa ráy qua loa bán cho tiệm quan tài làm vật liệu.

Khi bọn lão Trần đến được Lý Gia sơn, thấy khu mộ táng vương công quý tộc nước Điền chỉ còn toàn hang bùn hố đất nham nhở thì biết ngay nơi này đã bị phường trộm vặt lọc không biết bao lần, ngay mẩu xương người chết cũng không chừa lại cho người đến sau.

Nhưng lần ấy số lão cũng may, cả bọn chưa hết hi vọng, lại đào xới một lượt những hang hố còn đậm sắc bùn vết cỏ, phát hiện ra một mộ thất Điền vương đời cuối mới chỉ bị đào qua hai ba lượt. Trong mộ chẳng có lấy món minh khí nào ngoài một cỗ quách không, nhưng xem ra chất liệu cũng không xoàng, toàn là gỗ quý trong rừng nguyên sinh ở Vân Nam, lão Trần đành tháo quan lấy ván, không ngờ lại phát hiện được một tấm bản đồ bằng da người bên trong, trở về mời thọ khéo tới khôi phục lại hóa ra hình vẽ trong bản đồ chính là vị trí chi tiết của lăng mộ Hiến vương. Dân trộm mộ đa phần đều biết các truyền thuyết liên quan đến lăng mô Hiến vương. Nghe nói ngôi mộ cổ đó được xây dựng vô cùng xa hoa, từng tuẫn táng cả vạn người sống, hơn nữa địa cung lại là một tòa điện trên trời, người phàm muốn vào trong mộ cổ bái kiến Hiến vương chỉ có cách ngồi thuyền lá trôi trên Thiên Hà, chèo qua Âm Hà mới đến được, một khi đi rồi sẽ vĩnh viễn không thể trở lại, phải ở đó hầu hạ Hiến vương.

Mộ này chỉ có trên trời nên vĩnh viễn không thể bị dân trộm mộ đổ đấu. Nhưng những truyền thuyết này lưu truyền đã nhiều năm, khó tránh khỏi sai lệch so với sự thật, nhiều cao thủ trong nghề đổ đấu đều cho rằng lăng mộ Hiến vương chỉ là truyền thuyết, bậc thiên tử như Tần Thủy Hoàng, Hán Vũ Đế hay Đường Thái Tông, Tống Thái Tổ cũng chỉ có thể xây lăng dưới đất, Hiến vương chẳng qua là một quốc vương tép riu vùng Nam Cương, sao có thể xây mộ cổ trên trời, chuyện này tuyệt đối không thể coi là thật.

Có điều hiện giờ mộ cổ quanh đây quả thật khó tìm, lão Trần lại nóng lòng muốn kiếm một khoản lớn, đã quyết nhắm vào lăng mộ Hiến vương, bèn đem tấm bản đồ da người ra bàn bạc với Gà Gô.

Gà Gô chỉ chăm chăm nghĩ đến Mộc Trần Châu chôn trong Hắc Thủy thành ở Tây Vực, không chút hứng thú với lăng mộ Hiến vương. Huống hồ truyền thuyết Trùng cốc Vân Nam lại mù mờ, trên đời có lăng mộ Hiến vương hay không còn chưa biết, kéo đàn kéo lũ tới Vân Nam chưa chắc đã thu hoạch được gì, nghĩ vậy anh ta bèn bảo lão Trần mình phải đi sa mạc Hắc Thủy thành đào báu vật trước, đại sự xong xuôi sẽ quay lại giúp phái Xả Lĩnh tìm lăng mộ Hiến vương.

Lão Trần không đồng ý, trước mắt củng cố địa vị thủ lĩnh Thường Thắng sơn mới là việc gấp của lão. Theo lý mà nói, đi tìm lăng mộ Hiến vương trong rừng sâu núi thẳm còn dễ hơn tìm kiếm Hắc Thủy thành vùi dưới sa mạc nhiều, vả lại tìm mộ Hiến vương còn có tấm bản đồ da người chỉ đường vẽ lối tham khảo; chứ đi tìm di chỉ xa xưa trong lòng sa mạc thực khó hơn lên trời, trước nay chưa từng nghe nói có kẻ nào mò được kho báu trong sa mạc cả. Nơi mênh mông không bến không bờ ấy đối với dân trộm mộ vốn là cấm địa khó lòng đặt chân, phương pháp đổ đấu của Ban Sơn Xả Lĩnh đến đó thành vô dụng.

Gà Gô vẫn thường hành sự một mình, lần này tới Hắc Thủy thành Tây Hạ vốn không muốn đám người Xả Lĩnh đi cùng, nhưng anh ta bụng dạ ngay thẳng nên mới không giấu lão Trần chuyện tới sa mạc trộm mộ. Thực ra dòng dõi Ban Sơn đạo nhân vốn từ sa mạc Tây Vực di cư tới Giang Nam, cũng từng nhiều lần vào sâu trong sa mạc kiếm tìm di tích cổ, nhưng đó đã là chuyện mấy ngàn năm về trước rồi.

Từ thời nhà Hán, Ban Sơn đạo nhân đã dốc hết tâm trí vào việc tìm kiếm Mộc Trần Châu, khi đó từng có người nghĩ đến việc nếu không tìm ra Mộc Trần Châu, chi bằng quay về đất tổ Song Hắc sơn, đến động quỷ không đáy trên núi thần Zhaklama thăm dò xem sao, chưa biết chừng có thể tìm ra căn nguyên của lời nguyền độc địa.

Song khi ấy Song Hắc sơn Zhaklama bị người trong động quỷ chiếm cứ, bọn họ xây dựng thành trì ở nơi tận cùng sơn cốc Song Thánh, lấy quốc hiệu Tinh Tuyệt, do một vị Nữ vương là kỳ nhân xuất thế đứng đầu.

Tương truyền Nữ vương Tinh Tuyệt có thể dùng mắt khống chế người ta, kẻ thì nói do bà ta có yêu pháp lôi kéo sai khiến, kẻ lại nói đó chính là tà thuật Viên quang nhiếp hồn, song không ai biết được tường tận. Ba mươi sáu nước ở lưu vực sông Khổng Tước đều nằm trong vòng kiểm soát của Tinh Tuyệt, Ban Sơn đạo nhân đã vài bận xâm nhập vào sa mạc Taklimakan được canh phòng nghiêm ngặt, rốt cuộc đều bị lính canh phát hiện, khi không mất mấy mạng người.

Về sau có một Ban Sơn đạo nhân nghĩ ra kế sách đối phó Tinh Tuyệt quốc, sức mạnh của Tinh Tuyệt quốc thực ra đều đến từ vị Nữ vương lợi hại, chỉ cần trừ khử người này, việc phá thành sẽ dễ như trở bàn tay.

Vị tiền bối ấy cải trang thành lão thầy bói đến từ miền Đông xa xôi, dụng kế xúi giục để các nước Tây Vực vốn phải chịu ách nô dịch của Tinh Tuyệt cùng nhau bắt tay chống lại kẻ địch, âm thầm lên kế hoạch tập kết người ngựa, khởi binh tiến đánh thành chủ Tinh Tuyệt. Ban Sơn đạo nhân còn điều chế mạn dược, bí mật tẩm vào thịt cừu vàng, cho vương tử Cô Mặc là dũng sĩ số một trong ba mươi sáu nước đem dâng lên Nữ vương Tinh Tuyệt, nhằm hại chết bà ta.

Điểm yếu của Nữ vương Tinh Tuyệt chính là ở chỗ tự cao tự đại, bà ta là vầng trăng sáng trên sa mạc khiến quần tinh đều phải lu mờ, cho rằng chỉ người trời như mình mới được thưởng thức thịt cừu vàng nên quả nhiên trúng kế, chẳng bao lâu sau độc phát mà chết, được chôn trong động quỷ không đáy trên núi Zhaklama. Liên quân các nước mai phục trong sa mạc từ lâu, được tin Nữ vương đã chết thì hừng hực khí thế, nổi trống hăng hái xông vào công thành, đồ sát tất cả người Tinh Tuyệt không phân thiện ác.

Tấn công liên tục từ rạng sáng ngày thứ nhất đến mờ sáng ngày thứ hai, rốt cuộc cũng lọt được vào vương cung trong lòng đất, các tướng sĩ liên quân đều có thù sâu như biển với Nữ vương Tinh Tuyệt, quyết đào mộ Nữ vương lên băm thây rửa hận, vét sạch số của cải châu báu bà ta vơ vét mới cam. Nào ngờ đúng lúc ấy trên sa mạc đột nhiên cát bay đá lở, nhật nguyệt lu mờ.

Trận bão cát nuốt gọn hết thảy giống như cây roi dài của Chân thần thò tới mọi nơi, di chuyển gò cát, vùi lấp toàn bộ núi Zhaklama. Liên quân đánh vào trong thành, bao gồm cả Ban Sơn đạo nhân nghĩ ra diệu kế ám sát Nữ vương đều bị chôn vùi trong sa mạc. Trăm ngàn năm sau, chỉ khi nào sa mạc nổi bão cát, thành cổ Tinh Tuyệt mới chịu hiện ra sau lớp màn thần bí, theo dòng cát chảy, tòa thành Mắt Quỷ oanh liệt một thời lại chìm vào biển hoàng sa cuồn cuộn.

Những Ban Sơn đạo nhân còn lại đều không cam tâm, từ đó về sau không ngừng tìm cách tiến vào sa mạc, tìm kiếm Song Hắc sơn vùi trong biển cát vàng, song đều thất bại thảm hại, dốc hết tâm sức cũng không tìm ra được manh mối nào về núi thần Zhaklama, mãi đến nay mới hoàn toàn từ bỏ.

Trong thời gian này, Ban Sơn đạo nhân tiến vào sa mạc gặp phải vô số kỳ ngộ, vô tình tìm thấy vài di tích cổ mộ, cuối cùng đều nhận ra rằng, nếu không có manh mối nào trong tay thì đừng mong có nổi một phần vạn cơ hội tìm được thành cổ huyệt vùi trong sa mạc.

Lão Trần nghe nhắc chuyện cũ, dã tâm lại bừng bừng, đầu óc phiêu diêu tưởng tượng cảnh mình đích thân dẫn theo đội quân trộm mộ tiến sâu vào sa mạc mênh mông, đào cho bằng hết số của cải châu báu cao như núi trong thành cổ Tinh Tuyệt, sau đó trở về Tương Âm làm những việc kinh thiên động địa, mở mày mở mặt cho giới lục lâm, tương biết đâu họ Trần còn làm Khai quốc Thái tổ ấy chứ, bắt bọn Anh Mỹ Oa Di[35] hết lần này đến lần khác xâm phạm Trung Hoa chúng ta phải “viết thư xin hàng, nộp sớ quy thuận, mùa mùa cúng tiền, năm năm yết kiến”, nếu được như vậy, mới thỏa chí bình sinh của bậc đại trượng phu, cái tên Xả Lĩnh lưu danh sử sách.

Gà Gô thấy mặt lão Trần thoắt tối thoắt sáng, như chợt vui chợt buồn, đâu biết được dã tâm của lão, vội hỏi lão đang bận lòng vì chuyện gì. Lão Trần nghe hỏi mới định thần lại, liên tục thở dàim lão biết việc kiếm tìm châu báu trên sa mạc đối với đám trộm Xả Lĩnh chẳng khác nào mơ ước viễn vông, dù có mấy vạn người nựa, đến vùng sa mạc mênh mông không bến bờ đó cũng chỉ như muối bỏ biển, chẳng làm nổi trò trống gì, có trời mới biết phải bắt đầu đào từ đâu.

Nghĩ đến đây lão bèn quay sang hỏi Gà Gô, trên sa mạc đã không còn dấu vết gì, sao cứ muốn đi Hắc Thủy thành Tây hạ mãi thế? Mấy trăm năm trước một trận cát chảy nghiêng trời lệch đất cuốn trôi tất cả, tòa thành nổi tiếng ở Tây Hạ đó sớm đã bị vùi lấp hoàn toàn, cũng giống như thành cổ Tinh Tuyệt, đến nay giả nửa vẫn chưa tìm thấy, chi bằng đi Vân Nam đào mộ theo tấm bản đồ, ít nhiều còn có manh mối để tìm. Với bản lĩnh của hai anh em ta, dưới gầm trời này có việc lớn nào mà không làm được chứ!

[Cám ơn các bạn các bạn đã đọc truyện tại truyenaudiohay.com!]